Khi một sản phẩm mới ra đời, bạn sẽ cần phát triển và làm cho mọi người biết đến nó. Nếu không, sản phẩm của bạn có thể bị nhấn chìm bởi hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm đã có sẵn trên kệ khác mà không ai hay biết. Đó là lý do tại sao bạn cần có một quy trình lập kế hoạch marketing cho một sản phẩm mới. Vậy, quy trình đó sẽ được diễn ra như thế nào? Cụ thể các bước của nó sẽ ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu các bước lập kế hoạch marketing cho sản phẩm mới, dịch vụ mới trong bài viết sau.
Lập kế hoạch Marketing cho sản phẩm mới là gì?
Kế hoạch marketing cho sản phẩm là một kế hoạch quảng bá, truyền tải thông tin về lợi ích của một sản phẩm hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp đang cung cấp, nhằm mục đích khiến khách hàng biết đến sản phẩm, dịch vụ đó thông qua các công cụ quảng cáo như tivi, internet,…Kế hoạch marketing cho sản phẩm, dịch vụ sẽ đi từ bước nghiên cứu, phân tích đối thủ và thị trường, đặt ra các mục tiêu dài hạn, ngắn hạn, thực hiện và đo lường hiệu quả hoạt động.
Nguyên nhân cần có kế hoạch Marketing cho sản phẩm mới
Kế hoạch Marketing cho sản phẩm mới rất quan trọng không chỉ với cơ quan, doanh nghiệp lớn mà còn rất cần thiết ngay với cả những cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ.
Giúp bạn xác định mục tiêu
Đầu tiên, kế hoạch marketing rõ ràng sẽ giúp bạn xác định được mục tiêu cụ thể của doanh nghiệp. Khi làm việc có kế hoạch, bạn sẽ không phải lo lắng việc đi chệch mục tiêu ban đầu nữa.
Bên cạnh đó, kế hoạch marketing còn giúp chia nhỏ mục tiêu của bạn thành các mục tiêu nhỏ hơn và cho biết lộ trình cần thực hiện các mục tiêu đó.
Thống nhất các hoạt động
Kế hoạch marketing giúp các hoạt động của doanh nghiệp bạn được thống nhất. Mỗi một doanh nghiệp hoặc tổ chức sẽ có rất nhiều người cùng hoạt động, làm việc cùng nhau, đặc biệt là những doanh nghiệp có quy mô nhân sự lớn thì việc có tiếng nói chung sẽ càng khó khăn hơn. Do đó, để có được sự thống nhất trong cách hoạt động, làm việc thì bạn cần có một kế hoạch, chiến lược rõ ràng để tránh tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”, các hoạt động không liên kết. Nhờ đó mà có sự thống nhất chung trong cách làm việc.
Cung cấp thông tin
Kế hoạch marketing cung cấp cho bạn các thông tin cần thiết trong quá trình quảng bá sản phẩm mới. Các thông tin liên quan về đối thủ cạnh tranh, đặc tính của sản phẩm, khách hàng mục tiêu, kênh truyền tải thông điệp,… mà bạn tìm ra được trong quá trình nghiên cứu thị trường sẽ được sắp xếp một cách có hệ thống và đưa ra ứng dụng một cách dễ dàng hơn.
Hỗ trợ quản lý và phân bổ ngân sách
Vấn đề về ngân sách phân bổ như thế nào cũng được thể hiện rõ ràng qua kế hoạch marketing của bạn. Nhờ đó, bạn sẽ biết được ngân sách mình chi cho từng giai đoạn, và quản lý ngân sách hiệu quả, giảm rủi ro thất thoát.
Quy trình lập kế hoạch Marketing cho sản phẩm mới đơn giản
Quy trình lập kế hoạch marketing cho một sản phẩm mới sẽ bao gồm các công việc sau:
Nghiên cứu sản phẩm mới
Nghiên cứu sản phẩm mới và hiểu rõ thứ mà mình sắp quảng bá đến khách hàng chính là điều kiện tiên quyết để bắt đầu một kế hoạch marketing. Bạn không thể quảng cáo cho một sản phẩm mà đến chính bản thân bạn cũng không hiểu nó là gì, có công dụng gì, giúp ích gì cho khách hàng đúng không nào?
Khi nghiên cứu sản phẩm bạn hãy trả lời các câu hỏi sau:
- Sản phẩm của bạn có khả năng giải quyết giúp khách hàng vấn đề gì?
- Điều gì khiến cho sản phẩm mà bạn cung cấp khác biệt?
- Tại sao mà mọi người nên chọn mua sản phẩm của bạn?
- Chất lượng của sản phẩm so với sản phẩm của đối thủ khác ở mức nào?
- Sản phẩm có phải là hàng tiêu dùng một lần không?
- Sản phẩm của bạn có phải hàng hóa dễ hư hỏng không?
- Sản phẩm của bạn có thời hạn sử dụng trong thời gian bao lâu?
- Hướng dẫn sử dụng của sản phẩm có cần lưu ý gì không?
Ở bước này, bạn hãy nghiên cứu kỹ sản phẩm và các đặc tính của nó trước khi thực hiện quảng cáo chúng.
Xác định đối tượng khách hàng mục tiêu
Bạn không thể bắt hết tất cả cá trong đại dương chỉ với một mẻ lưới. Do đó, điều bạn cần làm là xác định “con cá” nào mà mình sẽ muốn bắt nhất. Hay nói cách khác là xác định được đối tượng khách hàng mục tiêu mà bạn nhắm đến là ai. Chân dung khách hàng càng rõ ràng bao nhiêu thì việc tiếp cận các khách hàng đó càng rõ ràng bấy nhiêu.
Hãy phân loại khách hàng thành các nhóm nhỏ theo nhân khẩu học, độ tuổi, giới tính, khu vực sinh sống, mức thu nhập,… và nhóm họ lại thành các nhóm nhỏ. Sau đó, hãy phân tích đặc điểm tâm lý, hành trình mua hàng, thu thập thông tin, tìm ra các thói quen của họ. Hiểu khách hàng sẽ giúp bạn thuyết phục họ tốt hơn.
Phân tích đối thủ cạnh tranh
Ngoài việc hiểu sản phẩm mà mình bán và khách hàng thì bạn còn cần phải biết về các đối thủ của mình.
Hãy nhìn các đối thủ cạnh tranh của bạn, đặc biệt là những đối thủ lớn để xem cách họ vận hành, quảng bá sản phẩm như thế nào. Đồng thời, xem thử họ có thiếu sót gì không và tự rút kinh nghiệm cho bản thân mình.
Hãy cố gắng tạo tìm tính mới mẻ trong các dịch vụ và sản phẩm của bạn. Khách hàng có thể đã quá quen với các quảng cáo kiểu cũ và không còn hứng thú với chúng nữa. Nếu bạn cứ đi vào lối mòn đó, chiến dịch marketing của bạn có thể đứng trước nguy cơ thất bại. Bên cạnh đó, hãy chú ý vào việc tạo nên sự khác biệt với các đối thủ. Điều này giúp bạn trả lời cho câu hỏi: tại sao khách hàng tìm đến bạn mà không phải đối thủ của bạn.
Xác định mục tiêu cụ thể
Có thể nói mục tiêu chính là kim chỉ nam cho mọi chiến dịch. Nhưng không phải cứ đặt bừa một mục tiêu là được. Mục tiêu của bạn cần phải đảm bảo các yếu tố sau:
- Cụ thể
- Có thể đo lường được
- Có tính khả thi
- Thực tế
- Có thời gian hoàn thành cụ thể
Bạn không nên quá tham vọng khi đặt mục tiêu mà hãy cân nhắc đến các tiềm lực thực tế của mình. Không nên đặt mục tiêu quá cao hoặc quá thấp trong so với khả năng thực hiện. Hãy đặt ra các mục tiêu cụ thể và có thể đo lường được bởi vì sau khi kết thúc chiến dịch, bạn còn cần phải đo lường lại hiệu quả của chiến dịch đã thực hiện.
Bên cạnh đó, bạn cũng không nên chỉ đặt mỗi một mục tiêu cho cả chiến dịch mà hãy chia nhỏ các mục tiêu ra để dễ dàng nắm bắt và theo dõi hơn. Ví dụ, bạn mong muốn sau chiến dịch quảng bá này sẽ có được 13.000 đơn đặt hàng thì bạn có thể chia ra 2 tháng đầu là 3.000 đơn, 2 tháng tiếp theo là 4.000 đơn và 2 tháng cuối là 6.000 đơn hàng chẳng hạn.
Chọn kênh truyền tải thông tin
Kênh truyền tải thông tin rất đa dạng, bao gồm báo đài, radio, tivi, Facebook, Zalo, Youtube,… Tùy vào loại sản phẩm, dịch vụ mà bạn đang muốn quảng bá và đặc điểm khách hàng là ai mà bạn có thể lựa chọn kênh truyền tải thông tin thích hợp. Hãy luôn nhớ rằng, kênh thông tin mà bạn chọn phải là kênh mà đối tượng khách hàng tiềm năng của bạn thường hay sử dụng. Điều này rất quan trọng vì nếu bạn quảng cáo trên một kênh mà khách hàng của bạn không sử dụng, các thông điệp sẽ không được đến với đúng người và tất cả những công sức mà bạn bỏ ra cho chiến dịch marketing này sẽ trở thành công cốc.
Xác định ngân sách dành cho Marketing
Tiếp theo, sau khi có kênh thông tin mà mình muốn truyền tải, bạn hãy nghĩ đến ngân sách dự trù mà bạn có thể bỏ ra cho chiến dịch marketing này. Hãy liệt kê ra tất cả các khoản khoản chi phí có thể phát sinh trong quá trình thực hiện, dù là nhỏ nhất và tổng kết lại trong một bảng excel. Đừng ngại đầu tư tiền bạc và công sức để sản phẩm được người tiêu dùng biết đến.
Triển khai kế hoạch Marketing
Sau khi đã nghiên cứu và tổng hợp thông tin đầy đủ, hãy bắt đầu chiến dịch marketing của bạn bằng cách phân theo các giai đoạn và phân công nhân sự cho từng giai đoạn, đồng thời sắp xếp công việc sao cho hợp lý.
Trong quá trình triển khai, bạn hãy luôn thực hiện việc đánh giá và đo lường hiệu quả hoạt động theo tuần hoặc tháng. Không nên để đến cuối chiến dịch mới đánh giá vì làm thế thì dù có phát hiện vấn đề cũng đã muộn.
Như vậy, chúng tôi đã hướng dẫn bạn cách lập kế hoạch marketing cho sản phẩm mới, hy vọng rằng những thông tin cung cấp trên sẽ giúp ích bạn trong quá trình quảng bá sản phẩm và điều hành doanh nghiệp.
Bài viết cùng chủ đề:
-
Nên chạy quảng cáo facebook vào khung giờ nào?
-
Tìm hiểu các loại phễu marketing hiệu quả trong kinh doanh
-
Chiến lược 7P trong marketing du lịch gồm những gì?
-
Cách sử dụng Google Keyword Planner hiệu quả
-
Cách SEO Facebook Hiệu Quả Lên Top: Hướng Dẫn Chi Tiết
-
Google PageSpeed Insights: Công Cụ Tối Ưu Hóa Hiệu Suất Website